Bài này đã được Cha giảng tại các nhà thờ từ CN cách đây 2 tuần. Không hiểu sao, mẹ thích bài dụ ngôn này lắm. Suy ngẫm về nó, chúng ta sẽ từ bỏ được cái thói ghen ghét cố hữu của con người. Chúng ta sẽ biết đánh giá đúng giá trị về mình, và của mọi người chung quanh để không còn phân bì, so sánh, kể công và ghen tuông nữa. Chúng ta sẽ có một tầm nhìn khác, sẽ hướng thượng, nhân bản, vị tha hơn.
Dụ ngôn này chẳng xa lạ gì với các con đâu. Tuy vậy, mẹ vẫn chép vào đây nhé :
«Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. (2) Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. (3) Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. (4) Ông cũng bảo họ: «Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng». (5) Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy. (6) Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: «Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?» (7) Họ đáp: «Vì không ai mướn chúng tôi. «Ông bảo họ: «Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!» (8) Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: «Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất». (9) Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. (10) Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. (11) Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ: (12) «Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt». (13) Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: «Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao? (14) Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. (15) Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?»
Cùng suy ngẫm, các con nhé :
1. Con có đồng ý với cách xử sự của ông chủ vườn nho không? Tại sao? Lý do khiến con đồng ý hay không đồng ý dựa trên lòng ích kỷ của con người hay dựa trên lòng yêu thương?
2. Con có phân biệt 2 thứ công bằng: công bằng có tình thương, và công bằng không có tình thương không? Con thích thứ công bằng nào?
Mới đọc, ai cũng cảm thấy ông chủ làm vườn nho đối xử như thế với những người làm thuê là không công bằng: người làm ít cũng như người làm nhiều đều nhận một mức lương bằng nhau. Vì theo suy nghĩ bình thường của người đời, người làm nhiều phải hưởng lương cao hơn người làm ít. Nghĩ như thế là hoàn toàn đúng và hợp lý.
Nhưng với tình thương, người ta có thể suy nghĩ khác, cao hơn, mà vẫn hoàn toàn hợp lý.
Chúng ta vẫn thường suy nghĩ về sự công bằng như thế này :
Những người có tài năng, có sức khỏe thì luôn luôn làm được nhiều hơn nên được hưởng lương cao hơn những người yếu đuối, kém tài năng, bất chấp những người yếu đuối này có thể có nhu cầu lớn hơn hay nhiều hơn.
Vì thế, người có tài có sức thường giàu có, còn người ít tài kém sức thường nghèo khổ.
Như thế, nhu cầu của tôi dù có lớn đến đâu, nhưng nếu tôi làm được ít, thì tôi chỉ được hưởng ít, cho dù hưởng ít như thế thì tôi sẽ rất thiếu thốn và đau khổ.
Còn nhu cầu của anh dù rất ít, nhưng nếu anh làm được nhiều, thì anh vẫn được hưởng nhiều, cho dù hưởng nhiều như thế anh sẽ dư thừa một cách vô ích. Đó là điều hợp lý theo lẽ thường và dường như không thể nào làm khác hơn được.
Còn công bằng theo kiểu có tình thương kia, nếu áp dụng sẽ có cái dở là làm cho nhiều người đâm ra lười biếng: vì có làm chăm thì cũng chỉ được hưởng bằng người lười. Cứ nghĩ như thế thì sẽ chẳng còn ai hứng thú trau giồi tài năng của mình làm gì, vì có tài thì chẳng ích lợi gì cho mình hơn không có tài. Ai cũng có tính ích kỷ, không ai muốn hy sinh một cách vô vị lợi cho ai cả. Ai cũng muốn dùng tài năng hay những lợi thế mình có được để phục vụ mình, để làm lợi cho mình trước đã, không mấy ai muốn ưu tiên cho tha nhân, cho những kẻ hèn kém, yếu thế, dù họ có nhu cầu nhiều hơn mình. Nếu có tài năng mà không đem lại ích lợi cho mình, thì tài năng để làm gì? (www.vietcatholic.net)
Một xã hội lý tưởng, hoàn hảo thường xây dựng cuộc sống hạnh phúc của người dân gần giống ý tưởng của dụ ngôn này, trong đó mọi người đều được hạnh phúc. Để được hạnh phúc như thế thì mọi người phải yêu thương nhau, và yêu thương một cách cụ thể là phải quên mình đi để lo cho người khác. Khả năng hay tài năng của mỗi người là để phục vụ, để lo cho lợi ích chung, chứ không ai dùng tài năng chỉ để vun quén cho mình.
Một gia đình hạnh phúc nếu mọi người trong nhà đều yêu thương lo lắng cho nhau. Những người lớn, có nhiều khả năng, thì đi làm kiếm tiền nuôi gia đình. Những em nhỏ tuy không đi làm, nhưng vẫn phải ăn, học, và do đó phải tiêu một món tiền không nhỏ. Nếu trong nhà có một người đau yếu, bệnh tật, thì người bệnh này có thể không làm ra được một đồng nào, nhưng lại có thể tiêu một số tiền lớn nhất trong nhà vì tiền thuốc, tiền bác sĩ rất mắc. Trái lại, người làm ra nhiều tiền nhất trong nhà có thể lại tiêu xài tiền ít nhất, vì có ít nhu cầu nhất. Nhưng anh ta vẫn không lấy thế làm bất công, mà cảm thấy như thế là hợp lý. Anh cho rằng số tiền trong gia đình phải được chia tỷ lệ với nhu cầu của mỗi người chứ không phải tỷ lệ với số tiền mà mỗi người kiếm được.
Trong dụ ngôn người chủ vườn nho trả tiền theo nhu cầu chứ không theo giờ làm thật là hợp lý nếu xét theo lý luận của tình thương. Những người làm từ sáng sớm hay những người chiều mới vào làm, người nào cũng đều có vợ con phải nuôi, một gánh gia đình phải cưu mang.
Người vào làm sau, sở dĩ họ vào làm trễ chỉ vì họ không có may mắn có việc để làm từ sáng sớm, cho dù họ rất muốn có.
Đương nhiên sự công bằng ấy chưa thể áp dụng một cách phổ biến trong một xã hội mà các thành viên còn quá ít tình thương. Nhưng ít ra nó có thể áp dụng và cần phải áp dụng trong gia đình chúng ta, các con ạ?
Nếu có một lúc nào đó, các con cảm thấy dường như bố mẹ không công bằng trong yêu thương đối với các con, các con hãy nghĩ đến bài dụ ngôn này.
Các con ra đời và được bố mẹ đón nhận, nuôi dưỡng trong ngôi nhà này tại những thời điểm khác nhau. Bảo Khanh đến với bố mẹ sớm nhất, và trễ nhất là bé Nhí. Nhưng tất cả các con đều được thụ hưởng bằng nhau, đều nhau trong tình thương của bố mẹ. Cái đều nhau đó, cái công bằng đó, không phải thể hiện bằng những phép tính cộng trừ, so sánh bình thường, mà là : tất cả các con đều được bố mẹ chăm sóc tối đa bằng tất cả khả năng của bố mẹ, nhằm đáp ứng những nhu cầu cần thiết cho tụi con, để tụi con được nên người
Đừng so đo, tính toán rằng bố mẹ thương ai hơn, như thế, chính các con đã tự hạ thấp mình đấy. Vì sao mình lại không tin mình được bố mẹ rất mực thương yêu ? Có lần, mẹ nói vui với Bảo Khanh rằng : " Chỉ có con ghẻ mới không được thương bằng con ruột. Nếu con cảm thấy mẹ không thương con, thì con là con ghẻ đấy"
Có thể, với từng đứa, bố mẹ có cách thương khác nhau nên do đó, cách ứng xử cũng khác nhau. Nếu cách bố mẹ thương các con không như các con mong đợi, thì đừng bao giờ trách bố mẹ không thương các con, chỉ vì các con chưa thực sự hài lòng với những gì mình đang có mà thôi
- Nếu con cảm thấy có vẻ mình ít được quan tâm chăm sóc hơn các em, hãy nghĩ rằng : "bố mẹ muốn rèn luyện mình đấy"
- Nếu con cảm thấy bị bố mẹ sai vặt nhiều việc hơn, hãy nghĩ rằng "ta đã được bố mẹ tin cậy hơn các chị em khác"
- Nếu con cảm thấy hay bị bố mẹ la mắng, hãy nghĩ rằng " bố mẹ đang chăm sóc mình mà"
Nên tự lý giải để tìm ra đáp số của bài toán tình yêu, các con ạ. Và mẹ rất mong các con sẽ luôn hoà thuận, thương yêu, gắn bó với nhau để "Thiên đàng" sẽ hiện hữu ngay chính trong ngôi nhà mình,. các con nhé
Mùng 5 Tết Kỷ Sửu
15 years ago
No comments:
Post a Comment